Đầu tiên, xin chúc mừng bạn sắp có một chuyến đi tuyệt vời, chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm hiếm có, một thách thức có thể tạo nên thay đổi lớn cho năng lực và sau đó là sự nghiệp của bạn.
Tuy nhiên với nhiều người thì bên cạnh sự háo hức sẽ kèm theo chút lo lắng, băn khoăn khi cảm thấy tiếng Anh của mình chưa đủ tốt để có thể tham gia trọn vẹn chương trình. Liệu mình có hiểu hết những gì giáo viên nói? Liệu mình có tương tác tốt với các bạn bè trong lớp, có khi là những đồng nghiệp của mình đến từ các nước khác? Liệu họ sẽ đánh giá thế nào nếu mình nói tiếng Anh chưa trôi chảy hoặc chuẩn xác?
Đó chính xác là những gì Hưng từng trải qua cách đây hơn 10 năm, và mọi thứ vẫn như mới xảy ra… hồi hộp, háo hức đến mức khó ngủ.
Trong vài dòng tới đây, Hưng sẽ chia sẻ với bạn một số cách để giúp bạn chuẩn bị tốt hơn, hiệu quả hơn cho đợt training bằng tiếng Anh sắp tới.
… nhất là khi thời gian chuẩn bị của bạn không có nhiều.
Phải, có những bạn có vài tháng, có bạn chỉ còn vài tuần, vậy nên làm gì và không nên làm gì?
Ok, việc đầu tiên là khoanh vùng chủ đề.
Hãy thu thập tất cả những tài liệu bạn có về khoá học và trainer/diễn giả sắp tới, bất kể hình thức gì, dù là file docs hay slides powerpoint, nếu có video thì càng tuyệt vời, và nếu video có phụ đề tiếng Anh thì đỉnh của đỉnh (Lát nữa Hưng sẽ hướng dẫn bạn cách tìm thêm tài liệu).
Giả sử bạn Loan học viên của Hưng có sắp tham gia khoá học Transformational Investing Workshop của Mr Phil Town. Vậy thì bạn Loan cần thu thập toàn bộ những tài liệu có thể có về Transformational Investing của diễn giả này, kể cả những bản giới thiệu về khoá học. Hãy tìm trên trang web của ông ấy. Hãy search google “Transformational Investing Workshop Phil Town”, rất có thể bạn sẽ tìm được nhiều tài liệu tốt của chính ông Phil Town. Hãy lên youtube…
Sau khi có tài liệu, audio, video… (tất nhiên không phải lúc nào bạn cũng tìm được tất cả, nhưng có cái gì thì tốt cái đó) của tác giả về chủ đề bạn sắp học, thì đây là việc tiếp theo…
Với tài liệu dạng text như sách, bài viết… bạn hãy áp dụng kỹ thuật đọc tự do mà Hưng đã hướng dẫn để đọc hiểu càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ sớm quen thuộc với văn phong, cách dùng từ của tác giả này. Quan trọng hơn, những từ vựng của chủ đề đó chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại giúp bạn nhanh chóng đủ vốn từ cho khoá học sắp tới.
Nếu có audio, hãy áp dụng những kỹ thuật nghe hiểu trực tiếp với đài usb mà Hưng đã hướng dẫn. Nếu bạn có audio và text của cùng một thứ thì quá tuyệt vời, hãy luyện nghe 2 vòng chủ động với chúng. Hoặc nếu bạn bận quá thì có thể dùng cách nghe “giải mã âm thanh” với đài usb. Chắc chắn điều này sẽ giúp bạn nghe hiểu những gì trainer/diễn giả nói được trọn vẹn hơn.
Nếu đặc thù của chương trình bạn sắp học là “nghe giảng là chính”, kiểu như những lớp học đông người, thì có lẽ vấn đề chính bạn cần tập trung là kỹ năng nghe và đọc hiểu để làm bài tập. Còn với những khoá học ít người mà bạn có thể phải thảo luận, trao đổi nhiều, hoặc thậm chí những khoá học mà bạn phải thuyết trình trước lớp thì vấn đề sẽ thách thức hơn một chút. Bạn sẽ cần chuẩn bị để luyện thêm phần nói.
Tuy nhiên cũng với chiến lược tập trung vào chủ đề ngách, cụ thể là chủ đề mà bạn sẽ học, thì việc này sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc bạn phải học tiếng Anh tổng quát.
Để chuẩn bị thì bạn hãy nghĩ trước những tình huống thảo luận có thể xảy ra, những bài thuyết trình có thể có. Tất nhiên tình huống thật có thể không chính xác như bạn chuẩn bị nhưng không hề gì, bởi những từ vựng bạn sử dụng sẽ vẫn xoay quanh chủ đề đó mà thôi. Vấn đề ở đây là bạn cần rèn luyện trước kỹ năng. Vì thế giả sử bạn Loan luyện trước bài thuyết trình về “các hình thức đầu tư phổ biến” thì đến lúc đi học phải thuyết trình về “Chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ” sẽ vẫn thuận lợi hơn nhiều.
Khi tập nói những bài như vậy, bản chất là những bài luyện nói tự do theo chủ đề, bạn có thể băn khoăn về việc mình nói đúng hay sai. Nếu bạn có ai đó sửa giúp thì tuyệt vời (nếu bạn là học viên của chương trình Huấn luyện & Hỗ trợ toàn diện của Gitizen thì hẳn sẽ không phải lo về điều này), tuy nhiên nếu không có thì cũng đừng vì thế mà không tập.
Bởi vì kể cả bạn nói chưa hoàn hảo nhưng điều quan trọng nhất là bạn vẫn có thể nói ra được điều cần nói. Điều đó tốt hơn nhiều là “bị khoá miệng” khi đứng trước bạn bè hoặc đồng nghiệp nước ngoài. Và như các bạn trẻ thường nói: điều quan trọng là thần thái . Hãy tự tin, thật sôi nổi, thật năng lượng và cười tươi khi nói tiếng Anh, lúc đó ngữ pháp hay phát âm không phải chuyện quá lớn.
Tóm tắt lại một chút…
Hãy tập trung vào chủ đề của khoá học/đợt training bạn sắp tham gia. Thu thập tài liệu, audio, video, trang web… bất cứ cái gì có thể. Tiến hành đọc nghe thật nhiều (massive input), tự nghĩ trước các chủ đề thảo luận thuyết trình và luyện tập với chúng.
Chúc bạn thành công!
Phạm Quang Hưng